Bạn biết gì về văn hoá, con người Đồng Nai?

1. DI TÍCH - DANH THẮNG
Nhà Xanh
​Nhà Xanh được Bộ Văn hoá công nhận là di tích quốc gia năm 1986. Hiện đang tọa lạc tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, nơi trước đây là Sở chỉ huy Tiểu khu Biên Hòa của thực dân Pháp. Tại đây, ngày 07/7/1959, đã diễn ra trận đánh gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới. Phân đội đặc công Việt Nam chỉ gồm 6 đồng chí đã tập kích vào Nhà Xanh, sát thương 2 cố vấn Mỹ và một số sĩ quan bị thương (ở Mỹ, tại Đài tưởng niệm binh sĩ Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam, đây là hai sĩ quan có tên đứng đầu trong danh sách). Trận đánh thể hiện tinh thần, ý chí tiến công của quân dân Biên Hòa, vạch trần âm mưu xâm lược của Mỹ và bản chất tay sai của chính quyền bù nhìn Sài Gòn.
 
Nhà lao Tân Hiệp
​Nhà lao Tân Hiệp (Trung tâm Huấn chính Biên Hòa), xưa kia thuộc thôn Tân Phong, tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, nay tọa lạc trên Quốc lộ 1, phường Tân Tiến, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 1km về hướng tây.
 
Cụm di tích chiến thắng La Ngà
​​Cụm di tích chiến thắng La Ngà đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986.
 
Nhà hội Bình Trước
​​Nhà hội là một thiết chế hoạt động của hương chức hội tề làng xã trong thời kỳ trước năm 1945 tại xã Bình Trước, tổng Phước Vinh Thượng, quận Châu Thành (nay thuộc phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa). Đây là công trình nhà hội kiến trúc khá kiên cố do tỉnh trưởng Biên Hòa là Bolen chủ trương xây dựng vào khoảng năm 1936 với sự đóng góp rất lớn về trí tuệ, công sức của những nghệ nhân tài hoa trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa. Đây là nơi hội họp và làm việc của hương chức hội tề địa phương.
 
Di tích Đài Kỷ niệm
​Ngày nay nhiều người biết đến Đài Kỷ niệm – còn gọi là Đài Chiến sĩ ở Biên Hòa, bởi nó nằm ở trung tâm thành phố, hàng ngày có hàng vạn người qua lại. Công trình này được Pháp xây dựng vào năm 1923 với tên gọi “Đài Kỷ niệm người Việt trận vong”. Trước đây, đài thuộc làng Bình Trước, tổng Phước Vinh Thượng, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
 
Danh thắng Đá Chồng Định Quán
​Từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) rẽ phải theo Quốc lộ 20 hướng về thành phố Đà Lạt, khoảng 50 km ta sẽ bắt gặp một quần thể đá xếp chồng lên nhau rất đẹp và kỳ lạ. Đó là khu danh thắng Đá Chồng.
 
Danh thắng Bửu Long
​​Khu danh thắng Bửu Long được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 208/VH-QĐ ngày 13 tháng 3 năm 1990. Danh thắng Bửu Long nằm ở hướng tây bắc thành phố Biên Hòa bên tả ngạn sông Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 2km,trên tỉnh lộ 24 đi Trị An, thuộc phường Bửu Long.
 
​Chùa Cô Hồn – Bửu Hưng tự
Chùa Cô Hồn là tên dân gian mà người dân Biên Hòa thường dùng khi nói đến Bửu Hưng tự. Đây là một ngôi chùa nằm trên đường Phan Đình Phùng, thuộc phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa. Di tích tọa lạc trên khu đất vốn trước kia là một ngọn đồi thấp, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 1km về hướng Tây Nam. Xung quanh chùa giờ là khu dân cư đông đúc.
 
Chùa Long Thiền
​​Chùa Long Thiền tọa lạc tại ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1057/QĐ ngày 14/6/1991 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

1. ĐẶC SẢN ĐỒNG NAI

Bưởi Tân Triều

Làng bưởi Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa khoảng 6 km. Làng bưởi ngày nay vẫn giữ được nét thanh bình của làng quê yên ả với những vườn bưởi xanh xum xuê quả, vườn tiếp vườn, tới đầu làng đã nghe hương bưởi thơm thoang thoảng.  

Cây bưởi Tân Triều sau bao năm thăng trầm đã lấy lại “tiếng thơm” của mình khi người dân Tân Triều mạnh dạn xóa vườn tạp để phục hồi lại cây bưởi vào những năm 1985 trở đi. Bưởi Tân Triều có nhiều loại, bưởi Thanh nước nhiều, trái rất sai, mỗi mùa một cây có thể cho từ bốn đến năm trăm trái.

Bưởi Xiêm, bưởi Long có vị ngọt nhưng trái nhỏ, ngon nhất là bưởi Đường lá cam và bưởi Đường núm. Bưởi Ổi trái nhỏ nhưng có đặc tính lạ, có thể để dành hơn nửa năm, da quắt lại như trái dâu khô nhưng bóc ăn ngọt lịm. Ngoài ra còn hơn hai mươi loại khác nhau như bưởi Xiêm, bưởi Chua, bưởi bà Vân, bưởi Hè, bưởi Long...

Mận (roi) An Phước

Mận An Phước do Công ty VACDONA (Đồng Nai) lai ghép năm 1999 và đã được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận năm 2003. Giống mận này từng được TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đánh giá cao trong Hội thi trái ngon các tỉnh Đông Nam bộ.  

Mận An Phước hình quả chuông, da đỏ sậm, gân nổi. Trái to nhất cao hơn lon sữa bò, có đế gần bằng nắp lon sữa bò, nặng khoảng 200g, đặc ruột, không hạt; ăn giòn và rất ngọt.

Mận An Phước trồng được trên nhiều loại đất, trong đó thích hợp nhất là đất sét pha thịt. Đất trồng cần được thoát nước tốt và gần nguồn nước. Cây mận sẽ ra trái khi được 18 tháng tuổi. 

Mít tố nữ Phú Hội

Vài năm gần đây, mít tố nữ được trồng nhiều ở Long Thành, Long Khánh, Cẩm Mỹ. Do cây tơ và trồng giống mới nên mít tố nữ ở những nơi này đều cho trái to, nhưng dân sành điệu thường tìm cho được mít tố nữ Phú Hội và phải là mít tố nữ thứ thiệt, vì dân nhà vườn ở đây cũng có người đã đưa mít tố nữ giống mới (nhiều nhà vườn gọi là mít Malaysia) vào trồng.  

Xôi chiên phồng Biên Hòa

Tuy không phải là món cổ truyền nhưng xôi chiên phồng đã trở nên phổ biến khắp Nam ngoài Bắc. Có lẽ chính xuất xứ món ăn tại Đồng Nai, cùng với bàn tay chế biến đầy tinh hoa của đầu bếp nơi đây đã khiến cho người ta mỗi khi nhớ đến món xôi chiên phồng, lại tấm khắc khen xôi chiên phồng ở Đồng Nai là ngon nhất

Nguyên liệu chính làm xôi chiên phồng là nếp, nhưng khác với các loại xôi khác, sau khi đồ chín nếp xôi chiên phồng còn được giã và nhồi nhuyễn chung với đường và đậu xanh sau đó mới đem chiên cho phồng lên.

Món xôi chiên ngon thì bánh phải phồng tròn và vàng đều, nếp không được cứng mà phải dẻo, có độ dai vừa phải. Xôi khi cắt ra chiều dài phải mỏng vàng đều hai mặt và không nhão. Muốn được như vậy khi nhồi phải nhồi thật tốt và khi chiên người đầu bếp phải biết cách ép và xoay miếng xôi thật khéo cho xôi nở đều, không bị méo mó hay chín không đều. Nhồi và chiên là hai khâu quan trọng nhất trong quá trình làm xôi.